Lứa tuổi mầm non là lứa tuổi đang học tìm tòi khám phá những cái mới về cuộc sống xung quanh. Những trò chơi kích thích sáng tạo sẽ giúp các bé rèn luyện tư duy và học tập tốt hơn. Dưới đây là một số trò chơi sáng tạo cho trẻ mầm non, cô giáo và bố mẹ tham khảo nhé!
Lợi ích khi áp dụng trò chơi thông minh cho trẻ
Những trò chơi thông minh, sáng tạo thường đòi hỏi ít vận động hơn mà đòi hỏi tư duy và sự suy nghĩ, liên tưởng của bé nhiều hơn. Nếu bố mẹ và nhà trường tạo ra nhiều các trò chơi kích thích sự sáng tạo sẽ giúp các bé học tập tốt hơn và tư duy tốt hơn rất nhiều. Một số lợi ích nổi bật của các trò chơi sáng tạo cho trẻ mầm non là:
– Rèn luyện kỹ năng tư duy, phân tích để giải quyết vấn đề.
– Tăng cường khả năng quan sát của.
– Kích thích sự linh hoạt, nhanh nhẹn trong tư duy.
– Cải thiện các năng khiếu nghệ thuật và thẩm mỹ.
– Đòi hỏi tính kiên nhẫn của các bé, cải thiện cảm xúc, tình cảm của bé.
– Tăng khả năng tư duy ngôn ngữ của các bé.
Trò chơi tô màu
Trò chơi tô màu là được các bé vô cùng yêu thích. Các bé vừa được học, nhận biết và tiếp xúc với màu sắc, lại vừa có thể học và nhận biết mặt chữ cái sâu sắc hơn.
Chuẩn bị: Bút màu và các bức tranh chữ cái hoặc con số.
Cách chơi: Cô giáo cho các bé một số chữ cái. Khi cô đọc đến chữ nào thì các bé sẽ tìm chữ cái đó và tô màu cho chữ cái thật đẹp. Bé nào tô đẹp sẽ được cô giáo khen và treo lên trước lớp.
Tác dụng: Màu sắc có ảnh hưởng rất lớn đến sự sáng tạo, tư duy và cảm xúc của trẻ. Khi kết hợp việc học với các màu sắc, các bé sẽ tiếp thu nhanh hơn và có nhiều sáng tạo thú vị hơn.
Trò chơi câu cá
Chuẩn bị: Bố mẹ hoặc cô giáo chuẩn bị những con cá có gắn chữ cái và cần câu.
Cách chơi: Ở nhà, bố mẹ có thể chơi thi đua với các con. Ở trên lớp, có giáo có thể chia ra thành từng nhóm nhỏ 3-4 bạn cho các bạn chơi với nhau để tạo được sự thích thú. Các bé câu những con cá có chữ và đọc thật to chữ cái mà mình vừa câu được. Bạn nào câu được nhiều chữ cái hơn sẽ thắng. Hoặc cô giáo có thể đọc chữ cái để các bạn câu xem bạn nào câu được con cá mang chữ đó. Bạn nào câu được nhiều cá theo yêu cầu của cô sẽ thắng.
Tác dụng: Việc kết hợp giữa chơi và học giúp việc học trở nên thú vị hơn và các bé dễ dàng tiếp thu hơn.
Trò chơi côn trùng hái lá
Chuẩn bị: Cô giáo hoặc ba mẹ chuẩn bị một cành cây hoặc một cái cây nhỏ. Gắn một số chiếc lá giả có những chữ cái, con số hoặc màu sắc khác nhau lên cây.
Cách chơi: Cô giáo chia các bé thành các nhóm thi đua với nhau. Mỗi bé đóng vai là một con sâu. Khi cô giáo đọc to các tên trong bảng chữ cái. Một bạn trong mỗi nhóm sẽ nhanh chóng chạy đến cái cây và tìm chữ cái, con số hoặc màu sắc cô giáo yêu cầu. Bạn nào nhanh hơn sẽ lấy được chiếc lá. Đội nào có nhiều lá hơn sẽ giành chiến thắng.
Tác dụng: Vận động giúp các bé vui vẻ và có tinh thần thoải mái hơn. Từ đó, việc học cũng trở nên thu hút và hấp dẫn hơn.
Trò chơi nghe – tìm
Chuẩn bị: Các chữ cái bằng gỗ, nhựa hoặc xốp.
Cách chơi: Cũng giống như trò con trùng ăn lá. Cô giáo có thể chia các bạn thành từng nhóm nhỏ chơi với nhau. Khi cô đọc tên chữ cái. Các bé sẽ nhanh chóng tìm chữ cái cô giáo đọc. Bạn nào được nhiều chữ cái nhất sẽ giành chiến thắng.
Tác dụng: Trò chơi rèn luyện sự nhanh trí, nhanh tay, nhanh mắt và giúp trẻ nhận biết mặt chữ cái tốt hơn.
Trò chơi chữ cái xếp hàng
Chuẩn bị: Một bộ chữ cái có nam châm gắn vào bảng từ hoặc chữ cái có thể gắn được và di chuyển được.
Cách chơi: Bố mẹ hoặc cô giáo sắp xếp một số chữ cái theo thứ tự, có thể là các chữ có nghĩa để dạy các bé đánh vần luôn. Cho các bé một khoảng thời gian để các bé ghi nhớ. Sau đó, bố mẹ di chuyển vị trì của một vài chữ cái hoặc tất cả khi các bé đã chơi quen và yêu cầu bé nhận ra sự thay đổi và sắp xếp lại cho đúng.
Tác dụng: Trò chơi giúp bé rèn luyện khả năng quan sát và ghi nhớ rất tốt.
Trò chơi lắp ráp, ghép hình
Chuẩn bị: Các bộ ghép hình, xếp hình hoặc lego
Những món đồ chơi lắp ráp, ghép hình không chỉ giúp bé sáng tạo, kích thích trí tưởng tượng, khả năng ghi nhớ mà còn dạy bé cách sắp xếp, giải quyết vấn đề. Bố mẹ có thể cùng bé chơi tranh ghép hình, từ các miếng ghép nhỏ, ghép thành hình lớn hoàn chỉnh hoặc những bộ xếp hình với những hình khối nhiều màu sắc được làm từ gỗ, nhựa.
Ghép, xếp hình giúp rèn luyện tư duy sáng tạo, óc tưởng tưởng và tư duy trìu tượng cao. Với các bé mầm non thì có thể cho bé chơi các kiểu lắp ghép đơn giản với những khối xếp hình to trước. Với những bé lớn hơn thì bố mẹ có thể cho bé chơi các loại lego nhỏ hơn.
Trò chơi nhập vai – chơi giả vờ
Chuẩn bị: Cô giáo chuẩn bị các dụng cụ để hóa trang cho các còn như trang phục, mũ, khăn, giỏ đồ,…
Cách chơi: Cô giáo có thể sử dụng một câu truyện cổ tích, các hành động thường ngày về các ngành nghề như bác sĩ, giáo viên, công an,… để tạo nên các tình huống. Cô giáo phân vai cho mỗi bé thành những nhân vật trong câu truyện và thể hiện câu truyện theo sự hướng dẫn của cô giáo.
Những trò chơi cần đóng giả này giúp các con hiểu về các nghề nghiệp trong xã hội, rèn luyện khả năng tư duy bắt chước để sáng tạo hơn.
Bắt chước tạo dáng
Luật chơi: Trẻ phải tạo các dáng theo yêu cầu của cô giáo
Cách chơi: Trước tiên, cô giáo cần hướng dẫn các bé một số dáng vẻ đặc trưng của một số con vật như con gà mổ thóc, con chim đang bay, còn mèo đang nằm,… cho các bé ghi nhớ. Sau đó, để các con di chuyển theo vòng tròn theo nhạc khi có hiệu lệnh của cô giáo, các bé sẽ dừng lại và tạo dáng sao cho đúng. Các bé chưa tạo dáng được sẽ được cô giáo hỗ trợ.
Tác dụng: Trò chơi giúp các bé hiểu hơn về thế giới tự nhiên, những hoạt động vừa chơi vừa học cũng giúp các bé thích thú và yêu việc đến lớp hơn.
Nhảy vào ô chữ theo hiệu lệnh
Chuẩn bị: Cô giáo vẽ một số vòng tròn ở sân trường và có chữ ở giữa. Có thể là các chữ cái đã học ở bài hôm trước để các con ôn luyện lại.
Cách chơi: Cô giáo cho trẻ xếp thành hai hàng ngang ở hai bên của các vòng tròn. Cô yêu cầu một bạn đứng cạnh vòng tròn nhảy lò có, hoặc nhảy hai chân, nhảy về phía trước, nhảy về phía sau, nhảy sang trái, hoặc nhảy sang phải vào ô chữ có chứa chữ cái nào đó. Làm lần lượt với các bé còn lại.
Tác dụng: Trò chơi giúp các con rèn luyện các hoạt động thể chất giúp tăng cường sức khỏe và ôn luyện bài học tốt hơn.
Vòng quay kì diệu
Chuẩn bị: Một chiếc bảng quay có cây kim ở giữa để chỉ vào các ô. Trong các ô có thể có ô quà tặng là những đồ chơi hoặc kẹo nho nhỏ cho trò chơi thêm phần thú vị, các chữ cái mới học, hoặc một số hoạt động nào đó mà các con phải làm theo như hát một bài, tạo dáng con khỉ, nhảy lò cò,…
Cách chơi: Các bé sẽ lần lượt được lên quay vòng quay, nếu kim chỉ vào ô nào sẽ phải thực hiện theo yêu cầu của ô chữ đó.
Tác dụng: Trò chơi vừa giúp các bé học chữ cái, vừa được những phần quà nhỏ và vừa được xem các bạn biểu diễn văn nghệ. Những hoạt động như này giúp giờ học của các bé trở nên thú vị và hấp dẫn hơn.
Xúc xắc kì diệu
Chuẩn bị: Một viên xúc xắc lớn có dán hình các chữ cái, có thể là bài học hôm trước hoặc các chữ cái các bé đã được học.
Cách chơi: Cô giáo cho các bé ngồi ngay ngắn thành hàng hoặc thành vòng tròn với xúc xắc chữ cái ở giữa. Cô giáo tung xúc xắc xem vào mặt xúc xắc ở trên là chữ cái nào thì cả lớp đọc to chữ cái ấy. Cô giáo cho các bé chơi nhiều lần để nhớ chữ cái được tốt hơn. Cô giáo cũng có thể chia các bạn thành từng nhóm nhỏ để chơi với nhau
Tác dụng: Giúp các bé tăng khả năng ghi nhớ những chữ cái đã học.
Trò chơi tạo dáng chữ cái
Luật chơi: Các bé tạo dáng các chữ cái trong bảng chữ cái.
Cách chơi: Cô cho các con xếp thành hàng, rồi bật một bài nhạc, cả lớp vừa di chuyển vừa hát theo nhịp bài hát. Khi cô giáo ra hiệu lệnh “Xếp thành chữ A”, các bé sẽ tự tạo dáng thành hình chữ A sao cho giống nhất, hoặc bất kỳ chữ cái nào mà cô giáo yêu cầu.
Tác dụng: Trò chơi giúp các con ghi nhớ mặt chữ và khả năng nhận diện chữ khi tạo dáng.
Trò chơi phân biệt đồ vật khác nhau
Trò chơi phù hợp cho các bé tầm 3-4 tuổi
Chuẩn bị: 10 cái kẹo, 10 quả bóng nhựa nhỏ, 1 lọ đựng kẹo, 1 giỏ đựng bóng. (Hoặc một số đồ chơi về các chủ đề khác nhau như nấu ăn, bác sĩ,…) Bỏ kẹo và bóng lẫn vào nhau. Sau đó, bố mẹ hướng dẫn bé chọn kẹo bỏ vào lọ và bóng để vào giỏ. Bố mẹ cho các bé chơi nhiều lần để tăng khả năng quan sát. Sau đó có thể sử dụng các đồ vật khó hơn.
Tác dụng: giúp bé nhận biết, ghi nhớ và phân loại đồ vật.
Trò chơi nhận biết màu sắc
Chuẩn bị: Các khối gỗ, quả bóng hoặc đồ vật có màu sắc khác nhau (Các đồ vật nên chỉ là màu đơn sắc, không bị pha trộn các màu tránh các bé bị hiểu nhầm). Và một vài cái giỏ màu theo số lượng màu. (Ví dụ các khối gỗ có 3 màu đỏ, vàng, xanh lá cây thì bố mẹ nên chuẩn bị 3 cái giỏ cũng có màu đỏ, vàng, xanh lá cây). Trò chơi này áp dụng cho các bé 2-3 tuổi, các bé lớn có thể cần phân biệt nhiều yếu tố hơn như hình dạng, chữ cái,…
Cách chơi: Bố mẹ trộn các khối gỗ có màu sắc khác nhau lẫn vào nhau và hướng dẫn bé chọn những màu giống nhau bỏ vào giỏ màu tương ứng. Ví dụ, tất cả các hình khối màu đỏ vào chiếc giỏ màu đỏ.
Tác dụng: Trò chơi này giúp các bé nhận biết, ghi nhớ và phân biệt màu sắc.
Trò chơi nhận biết âm thanh
Chuẩn bị: Thiết bị phát âm thanh như điện thoại, loa, …
Cách chơi: Bố mẹ cho bé nghe các âm thanh như còi xe, tiếng mèo kêu, gà kêu,… và yêu cầu các bé đoán xem đó là âm thanh gì.
Tác dụng: Bố mẹ thường xuyên cho con lắng nghe các âm thanh khác nhau giúp con tăng khả năng nhận biết, phân biệt âm thanh, tăng khả năng tư duy âm nhạc và phát triển não bộ rất tốt.
Trò chơi tìm đồ vật cất giấu
Luật chơi: Bé đi tìm những đồ vật đã bị giấu đi
Chuẩn bị: Bố mẹ hoặc cô giáo chuẩn bị một số món đồ như búp bê, xe hơi, siêu nhân,… và giấu đồ trong phòng của bé hoặc phòng học, phòng chơi của bé. Sau khi giấu xong thì ra hiệu cho các bé đi tìm. Nhưng bố mẹ nên cố ý để lộ ra cho bé nhìn thấy. Sau nhiều lần chơi có thể tăng dần độ khó lên.
Tác dụng: Tập luyện cho bé khả năng quan sát nhạy bén và linh hoạt.
Trò chơi nặn đất sét
Chuẩn bị: Đất sét nặn nhiều màu, khuôn hình
Cách chơi: Bố mẹ hoặc cô giáo hướng dẫn bé nặn các hình thù đơn giản như ngôi sao, hình vuông, hình tròn,.. Khi các bé chơi nhiều rồi có thể tập cho con nặn các hình con vật đơn giản như con gà, con mèo, ngôi nhà,…
Tác dụng: Kích thích trí tưởng tượng và tư duy trừu tượng của bé. Đồng thời cũng rèn luyện tư duy sáng tạo và nghệ thuật ở trẻ nhỏ.
Trò chơi tìm hình giống nhau
Chuẩn bị: Các bộ hình vẽ nhỏ, hoặc thẻ bài có 2 chiếc đôi một giống nhau.
Cách chơi: Bố mẹ có thể sắp xếp vị trí các thẻ bài lên mặt bàn và yêu cầu bé chọn ra 2 thẻ bài giống nhau một bỏ vào giỏ cho đến khi hết. Với các bé nhỏ hơn, có thể chọn những đồ vật hay các khối gỗ có màu sắc và hình dáng giống nhau để bé lựa chọn. Bố mẹ có thể bắt đầu bằng số ít thẻ bài. Các bé chơi nhiều hoặc lớn tuổi hơn có thể tăng độ khó bằng nhiều thẻ bài hơn hoặc có tính thời gian để trò chơi phát huy hiệu quả hơn.
Tác dụng: Trò chơi rèn luyện cho bé tính kiên nhẫn, sự tìm tòi và nhanh mắt.
Trò chơi đoán đồ vật
Chuẩn bị: Với những bạn nhỏ tuổi, bố mẹ có thể chuẩn bị những mô hình nhỏ, mô tả cho bé trước về các đặc trưng của nó. Còn những bạn lớn hơn thì bố mẹ có thể sử dụng ngay những đồ vật trong nhà, trong cuộc sống thường ngày.
Cách chơi: Bố mẹ sẽ mô tả gợi ý các đồ vật về mặt âm thanh, hình ảnh và màu sắc đặc trưng cho bé. Sau đó đó biết đó là vật dụng, hay con vật, hay đồ dùng gì. Nếu một gợi ý bé chưa đoán ra thì một lúc lại cho con thêm một gợi ý nữa. Ví dụ: Con gì có một cái vòi thật to. Đáp án là con voi.
Tác dụng: Những trò chơi gợi hình như này sẽ rèn luyện cho bé trí tưởng tượng một cách tối đa. Những hình ảnh sẽ in sâu trong tâm trí các bé hơn, tăng cường khả năng liên tưởng, hình dung hóa và sáng tạo nghệ thuật cho bé.
Trò chơi xếp hình từ que kem
Chuẩn bị: Bố mẹ có thể rủ con tích lũy các que kem để tạo nên những trò chơi vui nhộn và sáng tạo. Cùng con vẽ hoặc in một bức tranh thú vị. Bố mẹ xếp các que kem liền nhau và dán bức tranh lên. Sau đó dùng dao lam cắt rời bức tranh ra. Như vậy, mỗi que kem sẽ gắn với một phần của bức tranh.
Cách chơi: Bố mẹ xáo trộn các que kem lên và cho các bé tìm để sắp xếp lại thành một bức tranh hoàn chỉnh. Sau khi bé chơi quen, bố mẹ có thể tăng độ khó lên bằng cách tăng số lượng que kem, hoặc trộn nhiều bức tranh vào nhau. Cũng có rất nhiều trò chơi sáng tạo từ que kem khác như xếp nhà, làm ống đựng bút,… chỉ bằng keo nến và sơn vẽ.
Tác dụng: Trò chơi giúp các bé có thêm tinh thần bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi và học cách tái chế rác. Bên cạnh đó, trò chơi cũng rèn luyện tư duy sáng tạo và logic ở trẻ.
Trên đây là 20 trò chơi sáng tạo giúp phát triển tư duy, và trí thông minh ở trẻ mầm non. Từ 20 trò chơi này, bố mẹ có thể biến thể thành rất nhiều trò chơi khác nhau để các bé đỡ cảm thấy nhàm chán. Các trò chơi cũng cần có độ khó-dễ từ theo độ tuổi của các bé. Green Park Việt Nam hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho các cô giáo và bố mẹ trong việc phát triển rèn luyện và phát triển các khả năng sáng tạo của trẻ.