12 trò chơi dân gian cho trẻ mầm non bổ ích nhất

Ngày nay việc thường xuyên cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử để giải trí, chơi game mang lại nhiều mối nguy hại cho sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ. Để hạn chế điều này bố mẹ hoặc các thầy cô giáo có thể tham khảo 12 trò chơi dân gian cho trẻ mầm non cực bổ ích dưới đây,mời các bạn tham khảo.

Không ai biết các trò chơi dân gian có từ khi nào nhưng bao đời nay nó đã gắn liền với tuổi thơ của các bạn nhỏ Việt Nam, đặc biệt là lứa tuổi mầm non. Các trò chơi dân gian này không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe mà còn giúp phát triển tư duy logic, tăng khả năng phản xạ, trau dồi vốn ngôn ngữ và mang lại nhiều tiếng cười cho trẻ.

Ô ăn quan

Ô ăn quan

Chuẩn bị và hướng dẫn cách chơi:

  • Muốn chơi trò chơi này ban đầu bạn cần thiết kế một bàn chơi trên một mặt phẳng. Đầu tiên chúng ta vẽ một hình chữ nhật sau đó chia hình chữ nhật này thành 10 ô mỗi bên 5 ô vuông đối xứng nhau gọi là các ô dân. Tiếp đó vẽ thêm 2 ô bán nguyệt ở hai cạnh ngắn của hình chữ nhật gọi là ô quan. Ta sử dụng các viên sỏi, đá, hạt đậu…màu tùy ý với số lượng 50 viên chia đều vào 10 ô dân mỗi ô 5 viên, sử dụng 2 viên kích thước to hơn đáng kể để làm 2 quan. Mỗi bàn thường sẽ có 2 người chơi, mỗi người ngồi 1 bên cạnh dài của hình chữ nhật và đảm nhiệm kiểm soát các ô đó. Mục tiêu để dành chiến thắng là kết thúc ván chơi đạt được số dân quy đổi nhiều hơn đối thủ. Các người chơi sẽ quy định trước xem 1 quan thì sẽ đổi được ra 5, 10 hay 15 dân tùy thỏa thuận để phòng trường hợp cần dùng dân để chuộc lại quan.

Luật chơi như sau:

  • Hai người chơi sẽ oẳn tù tì hoặc thỏa thuận để xem ai đi trước. Người đầu tiên sẽ dùng toàn bộ số quân trong một ô bất kỳ để rải lần lượt vào các ô, mỗi ô 1 quân, bắt đầu rải từ ô kế tiếp và có thể rải ngược hoặc xuôi chiều kim đồng hồ tùy ý. Khi rải hết quân trên tay có thể xảy ra ba tình huống:

+) Thứ nhất: Nếu tiếp sau đó là 1 ô vuông có chứa quân thì tiếp tục dùng số quân đó rải tiếp theo chiều đã chọn.

+) Thứ hai: Nếu liền sau đó là một ô trống (kể cả quan hoặc dân) rồi đến một ô chứa quân tiếp theo thì được phép thu toàn bộ số dân trong ô đó (hay được gọi là ăn) để riêng để tính điểm khi kết thúc ván chơi. Nếu ngay sau ô đã bị ăn lại là một ô trống rồi đến một ô chứa quân thì người chơi lượt đó được phép ăn tiếp các quân ở ô này…Vì vậy có thể tính toán làm sao ăn được liên tiếp các ô theo quy luật như vậy.

+) Thứ ba: Nếu liền sau đó là 2 ô trống trở lên thì người chơi mất lượt và quyền đi tiếp thuộc về đối phương.

Trò chơi sẽ kết thúc khi toàn bộ quan dân ở hai ô quan hết, nếu bên nào trống toàn bộ 5 ô mà ô quan vẫn còn thì cần bỏ quân của mình ra rải vào 5 ô mỗi ô 1 viên để tiếp tục di chuyển.

Có thể thiết kế các bàn cho 3,4 người chơi cùng lúc được.

Lợi ích mang lại: Đây là trò chơi không cần tốn nhiều sức nhưng lại giúp phát triển tư duy logic, rèn luyện khả năng tính toán và kiểm đếm.

Trò rồng rắn lên mây

Trò rồng rắn lên mây

 

Hướng dẫn chơi:

Trò chơi cần có 1 người làm “thầy thuốc”,các bạn còn lại xếp hàng dọc dài, người sau ôm eo hoặc túm áo người trước để di chuyển vòng quanh như con rắn, vừa đi vừa hát.

Rồng rắn lên mây

Có cây xúc xắc

Có nhà hiển minh

Hỏi thăm thầy thuốc

Có nhà hay không?

Kết thúc câu hỏi thì đầu rắn cần đứng trước thầy thuốc, thầy thuốc trả lời “thầy thuốc đi chợ, đi vắng, không có nhà…thì tiếp tục rồng rắn một vòng và hỏi đến khi thầy thuốc trả lời “Có”

thì người đứng đầu đoàn rắn sẽ bắt đầu đối đáp:

  • Cho tôi xin ít lửa.
  • Lửa làm gì? (Thầy thuốc hỏi)
  • Lửa kho cá.
  • Cá mấy khúc?
  • Cá ba khúc.
  • Cho ta xin khúc đầu.
  • Cục xương cục xẩu.
  • Cho ta xin khúc giữa.
  • Cục máu cục me.
  • Cho ta xin khúc đuôi.
  • Tha hồ thầy đuổi.

Khi đó thầy thuốc bắt đầu đuổi các thành viên trong hàng, người đầu hàng có nhiệm vụ vừa chạy vừa dang tay che để bảo vệ không cho thầy thuốc bắt thành viên trong hàng. Người trong hàng cần chạy để tránh bị bắt đồng thời giữ cho hàng liền mạch. Nếu thành viên nào làm đứt hàng hoặc để thầy thuốc bắt được thì sẽ phải lên thay vị trí làm thầy thuốc.

Trò chơi rồng rắn lên mây giúp trẻ mầm non rèn luyện sức khỏe, sự nhanh nhạy đồng thời tăng tinh thần đồng đội cho các bé.

Trò kéo co

trò kéo co

Chuẩn bị dụng cụ:

Vẽ một đường kẻ dưới nền và chuẩn bị một đoạn dây thừng khoảng 6-7m, dùng một sợi dây vải buộc ở chính giữa để làm ranh giới phân biệt thắng thua.

Hướng dẫn chơi và luật chơi:

Chia các trẻ thành 2 đội số lượng bằng nhau, sức khỏe tương đương nhau và xếp thành hai hàng dọc đối diện. Các thành viên đứng vững, có thể đứng đan xen chân để có điểm tựa, nắm chặt dây thừng phía đội mình chờ nghe hiệu lệnh của trọng tài. Khi có hiệu lệnh cả hai đội cần nỗ lực kéo dây thừng về phía đội mình, đội nào để giẫm vạch ranh giới thì đội đó thua cuộc.

Đây là trò chơi giúp các bé phát huy tinh thần đồng đội, rèn luyện thể lực đặc biệt là sức mạnh đôi tay.

Bịt mắt bắt dê

Bịt mắt bắt dê

 

Trò chơi bịt mắt bắt dê là một biến thể của trò chơi đuổi bắt, một người chơi sẽ được bịt mắt bằng khăn, vải để không thể nhìn được và sẽ cố gắng bắt những người còn lại trong một vòng tròn. Nếu bắt được một chú “dê” nào thì cần đọc đúng tên người đó và người đó sẽ phải bịt mắt thay thế và tiếp tục trò chơi.

Những người làm “dê” có nhiệm vụ chạy xung quanh và luôn miệng kêu “be,be,be” đồng thời tìm cách trêu chọc người bị bịt mắt sau đó né tránh để không bị người bịt mắt tóm được mình.

Đây là một trò chơi thực sự mang lại nhiều niềm vui cho các bé và giúp các bé nhớ tên các bạn khác trong lớp tốt hơn.

Trò chơi: Dung dăng dung dẻ

Trò chơi: Dung dăng dung dẻ

Hướng dẫn và luật chơi:

Trò chơi này cần tối thiểu 2 người chơi trở lên, tối đa có thể khoảng 15-20 người. Những người chơi xếp thành hàng ngang hoặc nếu đông thì xếp thành vòng tròn vừa đi vừa cùng đồng thanh đọc bài đồng dao:

Dung dăng dung dẻ.

Dắt trẻ đi chơi

Đến cửa nhà trời

Đánh rơi mất trẻ

Lạy cậu lạy mợ

Cho cháu về quê

Cho dê đi học

Cho cóc ở nhà

Cho gà bới bếp

Ù à ù ập

Ngồi sập xuống đây.

Khi kết thúc câu cuối cùng của bài đồng dao tất cả người tham gia chơi cần ngồi sụp xuống đúng nhịp, nếu người chơi nào chậm chân không ngồi kịp thì được xem là thua và sẽ bị phạt. Hình phạt thì cần thương lượng trước khi bắt đầu trò chơi.

Trò chơi: Cướp cờ

Trò chơi: Cướp cờ

Chuẩn bị trước khi chơi:

  • Số lượng người tham gia: cần 1 người làm trọng tài và 8-10 người chơi chia đôi thành hai đội.
  • Không gian chơi: Cần có không gian rộng, phẳng không gồ ghề hay có chướng ngại vật ví dụ như sân trường.
  • Kẻ 2 vạch xuất phát, vẽ một vòng tròn ở giữa sao cho khoảng cách từ vòng tròn đến 2 vạch xuất phát bằng nhau. Chuẩn bị một cành cây, khăn, vải…để đóng vai trò làm “cờ”-đây là mục tiêu mà hai đội phải dành được

Hướng dẫn và luật chơi:

Người chơi của hai đội được chia thành các cặp số tương ứng và cần nhớ đúng số của mình để nghe trọng tài hô hiệu lệnh.

Trọng tài đứng giữa hô số, hô tới số nào thì người mang số đó chạy lên phía vòng tròn để chuẩn bị giành lấy cờ, có thể gọi cùng lúc mấy cặp số cùng lên hoặc cùng về.

Người cướp được cờ cần nhanh chóng chạy về phía vạch xuất phát đội mình, còn người có cùng số với người cướp được cờ cần đuổi theo và chạm vào người cầm cờ. Nếu chạm được thì điểm số dành cho người chạm được, nếu để người cướp cờ về đích thì điểm số thuộc về đội đó.

Kết thúc lượt chơi thì chuẩn bị tiếp tục các lượt chơi khác, số lượt chơi được quy định trước chẳng hạn 15 lượt. Kết thúc ván chơi nếu đội nào giành được nhiều điểm hơn thì chiến thắng thuộc về đội đó.

Trò chơi: Trốn tìmtrốn tìm

 

Đây là trò chơi vô cùng đơn giản, rất phù hợp cho lứa tuổi mầm non. Trò này cần tối thiểu 2 người chơi vì sẽ phải có một người trốn và một người đi tìm. Tuy nhiên thông thường số lượng đông hơn thì sẽ vui hơn. Không gian chơi tương đối rộng và cần có nhiều vị trí kín đáo có thể ẩn nấp được.

Cần có người xung phong hoặc dùng các cách như bốc thăm, oẳn tù tì…để xác định được người bịt mắt (người tìm). Người bịt mắt sẽ quay mặt vào tường, bịt mắt bằng tay hoặc khăn rồi bắt đầu đếm năm, mười, mười lăm, hai mươi, hai lăm, ba mươi, ba lăm….đến một trăm thì mở mắt đi tìm. Những người không bị bịt mắt trong thời gian nghe đếm cần nhanh chóng tìm chỗ trốn. Những người bị tìm thấy sẽ đứng chờ được “cứu” hoặc chờ khi tìm được hết người sẽ oẳn tù tì để tìm ra người bịt mắt tiếp theo.

Có thể “cứu” những người bị tìm thấy bằng cách nhân lúc người đi tìm không để ý nhanh chóng chạy về vị trí bịt mắt, thường là được vẽ một vòng tròn. Nếu cứu thành công thì người đi tìm sẽ phải tiếp tục bịt mắt một lượt tiếp theo.

Trò chơi: Thả đỉa ba ba

thả đỉa ba ba

Trò chơi thả đỉa ba ba phù hợp với nhiều lứa tuổi nhưng đặc biệt phù hợp cho độ tuổi mầm non. Đây là trò chơi giúp các bé tăng khả năng vận động linh hoạt, nhanh nhẹn hơn.

Hướng dẫn chơi:

Các bạn nhỏ khi tham gia trò chơi sẽ đứng thành một vòng tròn giữa sân. Oẳn tù tì để chọn ra người quản trò sẽ đóng vai trò là con “đỉa”. Cả nhóm chơi đồng thanh đọc bài đồng dao như sau:

Thả đỉa ba ba

Chớ bắt đàn bà

Phải tội đàn ông

Cơm trắng như bông

Gạo mềm như nước

Đổ mắm đổ muối

Đổ chuối hạt tiêu

Đổ niêu nước chè

Đổ phải nhà nào

Nhà nấy phải chịu.

Người làm đỉa có nhiệm vụ đi vòng quanh vòng tròn vừa đi vừa chỉ tay vào từng thành viên trong bài đồng dao, mỗi từ chỉ 1 bạn đến khi kết thúc bài từ “đỉa” chỉ đúng vào bạn nào bạn đó sẽ phải làm đỉa và các thành viên còn lại cần chạy nhanh về phía hai bờ sông. Ai chậm chân bị bắt sẽ phải làm đỉa và tiếp tục lượt chơi.

Trò chơi: Đua thuyền trên cạn

Đua thuyền trên cạn

Hướng dẫn chơi.

  • Số người chơi: Đây là trò chơi tập thể nên không giới hạn về số người chơi, càng đông càng vui. Thường mỗi đội có từ 5-10 người và số người của các đội bằng nhau ngồi xếp thành các hàng dọc.
  • Không gian chơi: Không gian cần tương ứng với số số lượng người chơi và cần rộng rãi, bề mặt sạch sẽ không có vật sắc nhọn do người chơi sẽ ngồi bệt xuống đất. Không gian phù hợp có thể là phòng sinh hoạt rộng, sân trường, sân cỏ, bãi cát…..
  • Hướng dẫn và luật chơi: Kẻ một vạch xuất phát và một vạch đích, ước lượng khoảng cách phù hợp căn cứ theo số người chơi. Các thành viên trong đội ngồi xếp theo hàng dọc, chân người sau quàng vào hông người trước để tạo thành 1 con thuyền,hai tay chống sang hai bên có nhiệm vụ chèo thuyền.

Khi có hiệu lệnh xuất phát các đội dùng lực của tay chống xuống nền đồng thời nhấc mông để đẩy con thuyền tiến lên phía trước.Trong quá trình di chuyển cần giữ cho con thuyền không bị đứt quãng, nếu đứt thì cần quay trở lại vạch và xuất phát lại từ đầu. Đội nào có thành viên cuối cùng trong hàng vượt qua đích trước và không phạm lỗi thì giành chiến thắng.

Đây là trò chơi giúp thu hẹp khoảng cách giữa các thành viên trong lớp, trong trường giúp các bạn thân thiết hơn và cũng đoàn kết hơn. Các cô giáo có thể tham khảo để tổ chức cho các bạn nhỏ tham gia vào các dịp thích hợp.

Trò chơi: Chi chi chành chành

Chi chi chành chành

Hướng dẫn chơi:

Trò này thường các bạn sẽ chơi ngay tại chỗ và không cần chuẩn bị dụng cụ gì. Số lượng từ 3 người chơi trở lên. Một người xòe bàn tay còn những bạn khác đặt ngón trỏ vào lòng bàn tay đó. Người xòe đọc thật nhanh:

Chi chi chành chành

Cái đanh thổi lửa

Con ngựa mất cương

Ba vương ngũ đế

Chấp chế đi tìm

Ù à ù ập.

Kết thúc từ cuối cùng người xòe nắm chặt bàn tay, nếu bắt được ngón tay của người nào thì người đó sẽ thay thế vị trí xòe tay.

Trò chơi: Nu na nu nống

Nu na nu nống

Đây là trò chơi quen thuộc của các bạn vùng đồng bằng Bắc bộ, là một trò chơi với cách chơi hết sức đơn giản. Trò chơi giúp các bé vừa học đếm,học hát lại mang đến niềm vui và sự gắn kết với nhau.

Hướng dẫn chơi:

Số lượng các bé từ 3-10 bé, các bé ngồi xếp hàng cạnh nhau và cùng duỗi thẳng chân, các bé cùng học thuộc bài đồng dao Nu na nu nống:

Nu na nu nống,

Đánh trống phất cờ.

Mở cuộc thi đua,

Thi chân đẹp đẽ.

Chân ai sạch sẽ,

Gót đỏ hồng hào.

Không bẩn tí nào,

Được vào đánh trống.

Các bé sẽ cùng nắm tay nhau và đồng thanh đọc bài đồng dao, đọc mỗi từ tay sẽ nhịp vào một chân, bắt đầu từ trái qua phải đến chân cuối cùng thì vòng ngược lại cho đến hết bài. Từ trống kết thúc ở chân nào thì chân đó được co lên. Các bé lặp lại bài đồng dao và đếm tương tự như vậy. Bé nào được co cả hai chân lên đầu tiên thì được xếp vị trí thứ nhất và lần lượt thứ hai, ba, bốn…đến người cuối cùng là người thua cuộc.

Trò chơi: Cá sấu lên bờ

Cá sấu lên bờ

Hướng dẫn chơi trò Cá sấu lên bờ:

Kẻ 2 đường kẻ có khoảng cách từ 3 mét trở lên tùy độ tuổi của nhóm chơi để làm bờ. Lựa chọn ra một người bị làm cá sấu bằng việc rút phiếu,bốc thăm hay oẳn tù tì. Người làm cá sấu sẽ đi lại ở giữa 2 bờ đó và tìm cách bắt người ở dưới nước hoặc có một chân ở dưới nước. ( Tức là thò 1 chân ra khỏi vạch hay nhảy ra khỏi vạch).

Những người còn lại đứng ngoài hai bên vạch, nghĩa là đứng trên bờ vừa chọc tức cá sấu bằng cách đợi các sấu ở xa thì thò một chân hay bước hẳn xuống nước vừa vỗ tay vừa hò hát “ cá sấu, cá sấu lên bờ”.

Khi nào cá sấu quay lại thì lại nhảy lên bờ. Người nào nhảy lên không kịp bị cá sấu bắt được phải thay làm cá sấu. Nếu cá sấu bắt được liền một lúc hai người, thì 2 người đó sẽ xác định ai sẽ làm cá sấu qua trò chơi oẳn tù tì.

Nếu cá sấu không nhanh nhẹn khi bắt người khác thay thế thì bị làm cá sấu đến lúc“chảy nước mắt cá sấu” hay mệt quá thì thôi.

Trò chơi lại quay về lại ban đầu để tìm con cá sấu khác.

Trò chơi này giúp rèn luyện sự nhanh mắt, nhanh tay, tăng phản xạ cho các bé.

Trên đây là 12 trò chơi dân gian bổ ích nhất cho trẻ mầm non mà các giáo viên, hay các bậc phụ huynh có thể hướng dẫn các bạn nhỏ chơi giúp các bé tương tác tốt hơn, đoàn kết và giao lưu học hỏi được nhiều hơn từ các bạn cùng trường lớp.

Nguồn bài viết: https://dochoivietnam.com.vn/

Liên hệ qua Zalo Gọi điện